Đã có rất nhiều bài báo, thuyết trình phân tích về các góc độ yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam, cả về trình độ kỹ năng chuyên môn và hiệu quả, so với các quốc gia đi trước.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng ấy là gì? Và chiến lược nào để giải quyết cái vấn đề rất đặc trưng của Việt Nam ấy? Tôi cho là các nội dung hoạt động nêu trên vẫn chưa đưa ra được cách giải quyết một cách thỏa đáng.
Chúng ta, ai cũng biết là nền kinh tế thị trường đã được phát triển khá lâu ở các quốc gia tư bản, có thể nói là con số hàng trăm năm. Chính nhờ chiều dài lịch sử này mà họ học hỏi và rút ra được nhiều điều từ kinh nghiệm thực tế.
Những kinh nghiệm ấy một phần được đúc kết và được đưa vào giảng dạy trong các chương trình quản lý doanh nghiệp, một phần được lưu truyền và lưu lại trong các doanh nghiệp từ đời này sang đời khác, giúp cho họ tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp cho doanh nghiệp của họ phát triển bền vững hơn.
Còn Việt Nam chúng ta thì có lẽ chúng ta cũng được bắt đầu tiếp xúc với kinh tế thị trường sớm như họ, nhưng vì chiến tranh, chúng ta tiếp thu và thực hành một cách hạn chế.
Thêm vào đó là đã có nhiều chục năm chúng ta thay đổi mô hình kinh tế, chúng ta tổ chức theo mô hình kinh tế kế hoạch, nên khi quay lại với nền kinh tế thị trường hơn 10 năm gần đây, chúng ta có một khoảng cách khá lớn so với các nước về kiến thức và kinh nghiệm tổ chức, quản lý kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Các doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại của VN, nhiều thì cũng chỉ mới được hơn 10 năm mày mò trãi nghiệm, ít thì còn đang loay hoay như các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Còn các khóa dạy quản lý doanh nghiệp thì cũng chỉ mới xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây, và nội dung thì vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót nhất là yếu tố phù hợp.
Đa số các doanh nghiệp VN còn trong giai đoạn thế hệ quản lý thứ nhất, do vậy cũng chưa tự tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức quản lý kinh doanh để mà truyền lại cho thế hệ thứ hai.
Cái khoảng cách về kiến thức, kinh nghiệm giữa doanh nghiệp VN và các doanh nghiệp khác mà tôi gọi là "knowledge gap" này, lí giải cho tình trạng yếu kém, èo uột của các doanh nghiệp Việt hiện nay và sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp khác trong những năm qua.
Xét về mặt logic, thì nếu muốn thu hẹp và tiến đến xóa cái khoảng cách tụt hậu mấy chục năm ấy, thì chúng ta phải đi nhanh hơn thế giới về mặt tốc độ learning của doanh nghiệp (learning curve).
Và muốn làm được điều này thì chúng ta phải tạo ra một môi trường thúc đẩy quá trình học hỏi để phát triển (learning curve) của các doanh nghiệp, và điều này không gì ngoài việc tạo ra một môi trường thị trường tự do ngay trên đất nước Việt Nam này.
Rất tiếc là với mô hình "kinh tế nhà nước làm chủ đạo" như hiện tại, chúng ta dường như vẫn còn trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai mô hình kinh tế, kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường. Và chưa biết bao giờ chúng ta mới bước hẳn sang kinh tế thị trường.
Vậy nên quá trình learning của các doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đã bị chậm lại chứ không phải là đi nhanh hơn thế giới như mong muốn, như tôi đã nói ở trên.
Việc thúc đẩy quá trình learning này chỉ có cách duy nhất để thực hiện, đó là thông qua con người, chứ không có cách gì khác. Điều này có nghĩa là VN phải thúc đẩy quá trình trao đổi chất xám từ những doanh nghiệp, nền kinh tế thị trường lâu năm và đã tích tụ nhiều kiến thức và kinh nghiệm, để từ đó học hỏi từ họ.
Rất tiếc, điều này hiện cũng đang tắc bởi, thứ nhất là, mô hình kinh tế nữa vời như trên; hai là, ý muốn duy trì sự độc quyền của một nhóm người, không chịu chia sẻ cơ hội cho những người khác.
Thực trạng là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp CP do nhà nước quản lý, và cả một số doanh nghiệp tư nhân có nhân sự từ khối nhà nước, vẫn còn sử dụng hệ thống quản lý như thời bao cấp để tổ chức và quản lý kinh doanh là một thực trạng của vấn đề trên.
Từ góc độ từng cá nhân, can thiệp một cách tích cực thì không được vì không ai cho phép, còn nói nhiều, chỉ trích nhiều thì bị ghét, thậm chí còn bị chụp mũ này nọ... vậy thì bạn phải làm sao?
Group Quản Lý Doanh Nghiệp chính là cách mà anh em chúng tôi thực hiện việc này. Trong group, chúng tôi, người biết nhiều thì chia sẻ cho người biết ít, người biết lĩnh vực này thi chia sẻ cho người chỉ biết lĩnh vực kia... mục đích là làm sao để mọi người nắm bắt được kiến thức quản lý doanh nghiệp một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, để hy vọng phần nào bù lại cái khoảng cách mấy chục năm về "knowledge gap" nói trên.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, chỉ có những người tích cực thì mới học hỏi nhanh, nắm được nhiều, và cũng chỉ có những người tích cực mà cùng chia sẻ sứ mệnh của group, thì mới mong họ có thể chia sẻ lại, giúp kiến thức lan truyền ra cộng đồng, nên trong group Quản Lý Doanh Nghiệp chúng tôi chỉ chấp nhận những người tích cực.
Rất cảm ơn FBNC và anh Bùi Văn đã chia sẻ câu chuyện của chúng tôi.
Đỗ Hòa
Cty Tinh Hoa Quản Trị, nhà sáng lập Group Quản Lý Doanh Nghiệp
https://www.youtube.com/watch?v=QMc3e98i6k0
https://www.youtube.com/watch?v=oJ3TdL6f0kg
https://www.youtube.com/watch?v=-CbhlwDWU90