fbpx
Công nghiệp ô tô

Một đề xuất cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mà các cơ quan chức năng của chính phủ nên tham khảo.

Từ kinh nghiệm và hiểu biết về phương thức và qui trình phát triển một ngành kinh doanh mới của các tập đoàn đa quốc gia, tôi nghĩ, nếu thật sự quyết tâm muốn phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, thì nhà nước nên theo các bước sau:

  1. Thành lập một tổ chức chuyên trách "Dự án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam".
  2. Đầu tư vào một doanh nghiệp trong nước, rồi dùng công ty ấy đi thâu tóm một doanh nghiệp ô tô của nước ngoài.
  3. Khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tổ chức sản xuất và cạnh tranh với các hãng khác trên thị trường trong nước, bên cạnh các thị trường truyền thống sẵn có của họ.
  4. Duy trì nhân sự và cơ chế quản lý ấy, và chỉ thay máu dần dần khi người trong nước có đủ khả năng thay thế.
  5. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp phụ trợ, để phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
  6. Cuối cùng là cổ phần hóa, rút dần vốn nhà nước, để trả doanh nghiệp về với thị trường cạnh tranh tự do.

Có thể đây chưa hẳn đã là một chiến lược hoàn hảo, nhưng tôi tin là bằng cách nầy chúng ta có thể phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, học được công nghệ, quản lý và công tác thị trường, và mức độ khả thi thì cao hơn nhiều nếu so với chiến lược mà nhà nước đang áp dụng.

Vì những lý do sau:

  1. Đối với các tập đoàn ô tô lớn, thị trường trong con mắt của họ là thị trường thế giới, thị trường khu vực. Họ không thể vì một lý do gì mà đi đầu tư thêm nhà máy nếu trong khu vực họ đã có ở nhà máy đang thừa công suất. Nhất là nếu nhà máy đã có của họ có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn.
    Nguyên tắc nầy áp dụng cả cho các ngành khác, kể cả dầu khí.
  2. Các tập đoàn ô tô lớn đã phát triển nhiều năm nên đã hình thành một chuỗi cung cấp công nghiệp phụ trợ riêng. Họ không có động cơ và không có lý do gì để chấp nhận rủi ro, bỏ công sức đi chuyển giao công nghệ, phát triển một chuỗi cung cấp công nghiệp phụ trợ khác, bất kể đó là yêu cầu của ai.
  3. Chuỗi cung cấp công nghiệp phụ trợ sẵn có của họ, gồm cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu của họ, các doanh nghiệp mà họ có góp một phần vốn, có cả những doanh nghiệp mà họ chia sẻ công nghệ với yêu cầu cam kết hợp tác làm ăn với nhau lâu dài, nên nó là lợi ích tài chính của họ mà họ không thể san sẻ cho ai. Thiếu sự hợp tác của các tập đoàn ô tô, công nghiệp phụ trợ trong nước không thể nào phát triển được.
  4. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì việc thâm nhập vào chuỗi cung cấp của các tập đoàn ô tô là một việc quá khó, quá rủi ro đối với họ cả về mặt kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Chỉ trừ khi đó là hãng ô tô mà nhà nước có quyền chi phối, chịu chấp nhận hy sinh lợi ích, chịu lấy lãi ở các thị trường khác để hỗ trợ thị trường VN, thì may ra một ngày nào đó, công nghiệp phụ trợ trong nước mới có thể thay thế dần, và nhờ đó mà công nghiệp ô tô mới thực sự hình thành.
  5. Nếu chính phủ tiếp tục nhượng bộ theo những yêu sách mà các tập đoàn ô tô nước ngoài đưa ra, và cho dù công nghiệp ô tô có phát triển hơn, thì nước nhà cũng chẳng được lợi gì, không học được công nghệ, không phát triển được công nghiệp phụ trợ, lại chẳng thu được đồng nào.
    Còn rủi ro thì luôn luôn kề bên khi mà họ tìm thấy nơi khác tốt hơn để dời nhà máy đi.

Đỗ Hòa

Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập