fbpx

Lắng nghe người khác, nhất là khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp, nhân viên và cả đối thủ là điều cần thiết để biết mà tự điều chỉnh mình.

ganhti

Vừa rồi, qua một người quen thân, tôi được nghe lại lời nhận xét của một bạn quản lý trẻ, là đôi thủ nghề nghiệp của tôi, khi bạn này tiếp xúc với một khách hàng tiềm năng của tôi.

Theo đó, bạn này cho rằng tôi "không phù hợp với khách hàng nhỏ", và lý do mà bạn này đưa ra là tôi đã thất bại khi làm ở hai doanh nghiệp nhỏ là Kềm Nghĩa và Trung Nguyên!

Trên tinh thần nói đi thì cũng phải nói lại cho rõ, tôi xin có mấy ý như sau.

Tôi cho rằng nhận xét của bạn này là không khách quan. Vì những lý do sau:

1. Với Kềm Nghĩa, chỉ trong vòng 10 tháng tôi đã đẩy được tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng từ 13% (khi nhận việc và được CT giao mục tiêu 14%) lên 21% (báo cáo tài chính công ty thời điểm tôi ra đi). Tôi là người tạo ra bước ngoặc đối với thị trường TQ, khi quyết định hủy quan hệ phân phối với họ hàng để chuyển sang tổ chức phát triển thị trường với nhà phân phối TQ.

Với thị trường xuất khẩu, tôi đã tiếp xúc trực tiếp và đã thuyết phục được một đối tác nước ngoài đặt những lô hàng lớn, trong khi trước đó họ chỉ toàn đặt những lô hàng nhỏ. Và khách hàng này sau đó là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của KN.

Về mặt quản lý, tôi là người đã triển khai thành công hệ thống lương 3P mới cho doanh nghiệp, là cơ sở để khuyến khích người lao động tăng năng suất, cải thiện hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Tôi cũng là người đã dám đưa ra những thay đổi mạnh mẽ về hệ thống bảo vệ của Kềm Nghĩa vốn là nơi có nhiều người nhà nhưng để thất thoát nhiều tài sản doanh nghiệp.

Về mặt quản lý tài chính, tôi là người đã đưa ra những cải tiến về qui trình sản xuất, giúp giảm đáng kể tổng giá trị hàng tồn trên các chuyền sản xuất, dẫn đến giảm hơn 50% giá trị vốn bị chiếm dụng và lãng phí trong khâu sản xuất.

Theo chỗ tôi được biết, sau tôi cho đến nay qua nhiều đời lãnh đạo, nhưng Kềm Nghĩa chưa bao giờ đạt được mức lãi suất ròng trên doanh thu, cũng như sản lượng sản xuất kềm mà họ đã đạt được thời tôi làm.

Kết quả trên không chỉ đến từ may mắn, case study về Kềm Nghĩa tôi đã chia sẻ trong Group QLDN, và cũng đã chia sẻ trực tiếp tại một hội thảo ở TP. HCM năm 2015 với một bản chiến lược (business strategy), một kế hoạch quản lý sự thay đổi (change management plan) kèm theo 21 chương trình hành động, mà tôi đã triển khai thực hiện để tái cấu trúc doanh nghiệp này.

Việc kiểm chứng thông tin trên là rất dễ dàng, vì chỉ cần xem lịch sử phát triển của Kềm Nghĩa, hoặc đọc những phát biểu của CT doanh nghiệp, thì có thể thấy rằng những mốc phát triển lớn của Kềm Nghĩa đều rơi vào giai đoạn tôi làm việc tại đây (2008-2009).

Vậy cơ sở nào để bạn ấy nhận xét là tôi "thất bại ở Kềm Nghĩa"?

2. Còn với Trung Nguyên, thì nhận xét của bạn này càng không có cơ sở. Lí do là không ai đem thời gian thử việc 3 tháng, khi mà người CEO còn chưa được giao quyền, chưa được trực tiếp lãnh đạo, triển khai và thực thi một việc gì, chỉ không ký HĐ chính thức vì bất đồng quan điểm... để nhận xét rằng CEO đó thất bại.

Lâu nay, thường thì những ý kiến, nhận xét không đúng, không khách quan mang tính cạnh tranh không lành mạnh, thì tôi sẽ bỏ qua, không quan tâm. Nhưng một số bạn khuyên tôi là nên lên tiếng để bảo vệ uy tín mình, nên lần này tôi mới quyết định lên tiếng.

Tôi nghĩ rằng với các bạn đồng nghiệp tuổi còn trẻ, sẽ tốt hơn nếu bạn nỗ lực phấn đấu để tự khẳng định mình bằng thành tích và sự thăng tiến trong công việc, không nên tìm cách dèm pha, nói xấu người khác. Bởi làm thế không giúp làm cho người khác cảm nhận và đánh giá bạn tốt hơn, mà có khi ngược lại. Vì cho dù bạn nói như thế nào về người khác, thì cuối cùng người ta cũng hỏi "vậy anh đã làm được gì?".

Tôi xin phép không nêu tên nhân vật, chỉ có thể tiết lộ rằng bạn này cũng là chỗ quen biết với tôi, từng làm việc cho một vài tổ chức tư vấn và làm vị trí quản lý cấp trung trong một số doanh nghiệp.

Đỗ Hòa

Pin It

Đăng Nhập