AI giúp định giá linh hoạt

Hy vọng lớp Giá tuần rồi đạt được kỳ vọng mà các bạn đề ra. Giá là yếu tố P duy nhất trong marketing mix giúp doanh nghiệp thu lại giá trị cho mình, nhưng hầu hết doanh nghiệp lại không đầu tư đủ thời gian và công sức dành cho Giá. Hầu hết doanh nghiệp giao việc định giá cho phòng kế toán thực hiện theo công thức đơn giản: Giá bán = Giá vốn + Biên lợi nhuận kỳ vọng (cost plus pricing).

Giá và Chiến lược

Thực tế là muốn bán được với giá tốt thì đòi hỏi phải bắt đầu từ chiến lược. Tức là phải bắt đầu từ việc tính toán tạo ra giá trị cho khách hàng, từ việc phân khúc và chọn thị trường mục tiêu, và từ việc định vị sản phẩm mình trên thị trường.

Việc tìm ra cơ hội từ tiếp cận phân khúc thị trường đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra lợi nhuận. Bởi giá cao hay thấp tùy thuộc vào việc chúng ta chọn đáp ứng nhu cầu nào, tạo ra giá trị gì cho khách hàng. Việc định vị giúp chúng ta nổi bật, khác biệt với đối thủ, qua đó tránh đối đầu trực tiếp với đối thủ lớn, tránh chiến tranh giá.

Giá và Kênh

Những ai ra thị trường mà bắt đầu từ kênh (chọn kênh để phân phối trước), rồi mới tính giá bán, thì thường gặp vấn đề khi định giá. Trong khi những ai đi theo từng bước STP (phân khúc, chọn mục tiêu, định vị) và CVP, thì sẽ không phải lăn tăn khi định giá qua các kênh khác nhau. Bởi khi ấy bạn đã hiểu rõ tại sao bạn chọn các kênh ấy. Nên sẽ không có chuyện so giá bán tại chuỗi siêu thị với giá bán trong chợ, hay so giá bán online với giá bán tại cửa hàng truyền thống ...

Giá và Sản Xuất

Bàn chuyện giá thì không thể không bàn về giá đầu vào, giá thành sản phẩm, điểm hòa vốn. Bởi chính việc phân tích chi phí giá thành giúp chúng ta tối ưu hóa giá thành sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp tìm ra sự kết hợp giữa giá bán với số lượng bán tối ưu (đạt mức lãi cao nhất) để làm định hướng cho chiến lược sản xuất, cung ứng.

Ứng Dụng AI vào Giá

Trong thời đại cạnh tranh gay gắt ngày nay, người ta không còn đặt mục tiêu lợi nhuận một cách cứng nhắc theo từng sản phẩm như trước đây nữa. Thay vào đó, người kinh doanh đặt mức lợi nhuận bình quân của cả dòng sản phẩm, hay của các sản phẩm khác nhau, từ các thị trường khác nhau, tại từng thời điểm khác nhau. Và từ nhu cầu này người ta ứng dụng AI vào chiến lược giá.
Nắm được kỹ thuật này, bạn sẽ hiểu tại sao mà các doanh nghiệp TQ có thể bán "dưới giá vốn". Và từ đó sẽ bạn biết bạn sẽ cạnh tranh với họ như thế nào.

Giá và Truyền Thông, Thương Hiệu

Học định giá cũng học các thủ thuật tâm lý, sao cho khách hàng chấp nhận mua với giá cao mà vẫn hài lòng. Học cách phân tích để biết trường hợp nào, thị trường nào, khi nào thì mình có thể nâng giá một cách an toàn (mức độ khác nhau, học viên nào cũng áp dụng được kỹ thuật này). Để đến khi cần thiết thì có thể hạ giá mà vẫn bảo toàn được mức lợi nhuận mục tiêu.
Không chỉ thế, giá còn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược thương hiệu. Ở chiều ngược lại, giá lại chịu tác động to lớn bởi truyền thông.

Vậy nên học giá thì cũng cần phải học Truyền Thông Marketing (lớp tuần kế tiếp), để có thể dùng truyền thông chuyển tải chào mời giá trị, dùng truyền thông để tác động lên giá cảm nhận (perceived price), để tác động giá trị cảm nhận (perceived value). Qua đó giúp cho việc định giá dễ dàng, thuận lợi hơn.

Ơ bài viết về giá mà tôi quên chưa đề cập đến một chiến lược giá cụ thể nào cả. Nhưng bài dài quá rồi, thôi để lúc khác vậy! 🙂

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Nhập Ý Kiến

Gởi

Đăng Nhập