Giá trị của người lãnh đạo nằm ở những gì ông ta thật sự làm được. Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được cho mọi người biết mình có thể làm được gì, thì ít ra anh cũng phải đủ tự tin mà nói rõ là anh tin là mình sẽ làm được cái gì. Bài viết của ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn lãnh đạo.
Phải nói rõ rằng tầm nhìn (vision) đây là tầm nhìn của bản thân người lãnh đạo đối với tổ chức mà ông ta là người đứng đầu. Nếu để mô tả, thì có thể nói rằng tầm nhìn là điểm giao nhau giữa những gì là tiềm năng của một tổ chức và năng lực tối đa mà người lãnh đạo có thể đạt được.
Phát biểu tầm nhìn thể hiện tiềm năng phát triển của một tổ chức mà người lãnh đạo có thể hình dung được trong tầm mức (hạn chế) năng lực của mình.
Tầm nhìn của người lãnh đạo là mục tiêu, là định hướng hoạt động cho tổ chức. Nội dung tầm nhìn là cơ sở để người lãnh đạo dựa vào đó mà triển khai thành những chiến lược nhằm phát triển hay cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức ấy.
Khi người lãnh đạo đưa ra một tầm nhìn đối với một tổ chức, điều đó chứng tỏ là ông ta có hiểu biết về doanh nghiệp ấy. Ông ta nhìn thấy những điểm thuận lợi và đồng thời cũng nhìn thấy những mặt hạn chế, yếu kém mà ông ta tin rằng với khả năng của mình ông ta có thể khai thác và xử lý được nhằm để cho doanh nghiệp, tổ chức ấy có thể phát triển và hoạt động hiệu quả hơn.
Thông điệp tầm nhìn còn được xem là một “công cụ” lãnh đạo hữu hiệu. Với một tầm nhìn đúng đắn, cao cả, được mọi người trong tổ chức chia sẻ, người lãnh đạo có thể thu phục được những người trong tổ chức để cùng đồng lòng theo mình để vượt qua những khó khăn thách thức, đưa tổ chức ấy chinh phục những thành tựu đỉnh cao.
Nói một cách ngắn gọn, thông qua thông điệp tầm nhìn, người ta có thể ít nhiều đánh giá rằng một người có đã sẵn sàng để nhận lãnh một vị trí lãnh đạo hay chưa.
Đâu là những rủi ro, khi bổ nhiệm một người lãnh đạo chưa sẵn sàng cho vai trò và trách nhiệm của mình?
- Có thể ông ta cần nhiều thời gian để tìm hiểu, để có thể nhận ra tiềm năng, để xác định được những thách thức, khó khăn mà tổ chức ấy đang gặp phải. Như vậy tổ chức ấy sẽ phải mất một thời gian để người lãnh đạo có thể phát huy vai trò.
Tuy nhiên, rủi ro còn nằm ở chỗ liệu sau khi nắm được tình hình, nhìn ra được tiềm năng và xác định được những thách thức thì ông ta có đủ năng lực để giải quyết chúng hay không? Nếu không thì những người chủ của doanh nghiệp, tổ chức ấy lại phải đi tìm người khác để thay ông ta. Cái giá phải trả cho mỗi lần bổ nhiệm sai một vị trí lãnh đạo thường là không nhỏ. - Có thể ông ta không đủ năng lực nhưng nhận bừa rồi cố xoay xở để tồn tại trên vị trí càng lâu càng tốt (để được hưởng những phúc lợi của vị trí ấy).
Người lãnh đạo mà không có tầm nhìn, thì ông ta cũng không thể đưa ra chiến lược gì để phát triển tổ chức ấy. Và thông thường với một người lãnh đạo mà chỉ biết xoay xở cho qua ngày đoạn tháng, để tồn tại trên vị trí của mình, thì thành tích tốt nhất mà tổ chức ấy có thể đạt được là duy trì được như mức cũ, nếu không muốn nói là giảm sút. - Việc không có một tầm nhìn đúng đắn, khiến người lãnh đạo sẽ gặp khó khăn trong việc thu phục nhân tâm, một yếu tố then chốt để ông có thể hoàn thành vai trò lãnh đạo của mình.
Tệ hơn, do không thu phục được bằng một tầm nhìn chung đúng đắn, ông ta sẽ phải nghĩ ra những cách khác để thu hút mọi người theo mình. Và điều nầy sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường cho tổ chức ấy.
Tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp thường hướng đến khai thác tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Chặng hạn: “tăng trưởng đạt doanh thu gấp đôi sau ba năm”, hay là “trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành về thị phần sau 3 năm”.
Tầm nhìn doanh nghiệp cũng có thể hướng đến cải thiện hiệu quả hoạt động, hay nhằm tháo gỡ những sự hạn chế mà vì những hạn chế ấy doanh nghiệp ấy đã nhiều năm không thể phát triển được. Và có thể đơn giản như: “lắp ráp xong một chiếc xe trong vòng 24 giờ”.
Tất nhiên, nói được không thôi là chưa đủ. Giá trị của người lãnh đạo nằm ở những gì ông ta thật sự làm được. Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được cho mọi người biết mình có thể làm được gì, thì ít ra anh cũng phải đủ tự tin mà nói rõ là anh tin là mình sẽ làm được cái gì.
Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn IME Vietnam
(Theo TBKTSG)