Một đội ngũ mạnh phải là một đội ngũ đoàn kết, mọi người sãn sàng góp ý và lắng nghe lẫn nhau một cách thẳng thắn và xây dựng, nhưng không "đoàn kết" đến độ bao che, dung túng, thỏa hiệp với những cái sai trái trong đội ngũ mình.
Trong nhiều quảng cáo của một ngân hàng trong thời gian vừa qua có đoạn văn phía dưới ghi nội dung đại khái nói rằng họ tự hào là một đội ngũ gồm toàn những người có tố chất lãnh đạo. Tôi không hiểu dựa vào đâu mà họ nói thế, nhưng liệu một đội ngũ mà có quá nhiều người có tố chất lãnh đạo thì có phải là một đội ngũ mạnh?
Trước hết hãy tìm hiểu thế nào là người có tố chất lãnh đạo.
Người có tố chất lãnh đạo là người luôn sẵn sàng nhận lãnh những thách thức, trách nhiệm khó khăn mà trong đội ngũ không ai làm được, là người sẵn sàng cướp tay lái khi thấy con tàu đi lệch hướng.
Người có tố chất lãnh đạo là người có khả năng thu hút người khác đi theo mình, là người không ngại phản biện, góp ý với người khác khi thấy cần, là người lúc nào cũng muốn xem xét lại những khuôn mẫu có sẵn từ trước để tìm ra những phương thức mới hơn, và là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho bản thân mình để tạo ra những thay đổi để đội ngũ tiến lên phía trước. Nói chung là một người có tính cách rất năng động và hiếu thắng (aggressive).
Có thể hình dung một đội ngũ mà có nhiều người có tố chất lãnh đạo thì cũng giống như một đội bóng mà có nhiều cầu thủ có tố chất của người huấn luyện viên. Ai cũng muốn chỉ huy người khác phải đá thế nầy, phải đá thế kia.
Điều gì xãy ra khi một đội ngũ mà có quá nhiều người có tố chất lãnh đạo?
Điều trước tiên mà người ta có thể quan sát được đó là một team luôn có không khí tranh cãi căng thẳng. Mỗi khi có việc gì cần phải giải quyết, vì đội ngũ nầy có quá nhiều người muốn chỉ huy, nên ai muốn người khác làm theo ý mình và ai cũng rất hiếu thắng nên thường xãy ra tranh cãi rất căng thẳng. Có khi tranh cãi hoài mà vẫn không đi đến được sự thống nhất là sẽ đi theo hướng nào.
Vậy thế nào là một đội ngũ mạnh?
Một đội ngũ mạnh phải là một đội ngũ bao gồm những người có tính cách, năng lực bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo.
Chẳng hạn, khi có vấn đề cần giải quyết thì đội ngũ ấy có người có thể đưa ra những sáng kiến, rồi có người có năng lực hoạch định, tính toán đến từng chi tiết công việc cần phải làm, rồi có người khác có năng lực hoàn thiện công việc bằng cách kiểm tra rà soát công việc của những người khác để đảm bảo không có gì sai sót, lại còn có người có khả năng tập hợp hòa giải mỗi khi trong đội ngũ có xung đột, và cuối cùng là phải có người có uy tín về năng lực và tầm nhìn được anh em nể trọng để quyết định, chỉ huy đội ngũ vượt qua những khó khăn, thách thức.
Một đội ngũ mạnh là một đội ngũ có cả những người hăng say nhiệt tình đến độ nôn nóng, nhưng cũng phải có người chín chắn, cẩn thận. Để có một đội ngũ mạnh thì mọi người trong đội ngũ phải hiểu nhau, phải biết điểm mạnh của từng người để mà phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.
Và cuối cùng, một đội ngũ mạnh phải là một đội ngũ đoàn kết, mọi người sãn sàng góp ý và lắng nghe lẫn nhau một cách thẳng thắn và xây dựng, nhưng không "đoàn kết" đến độ bao che, dung túng, thỏa hiệp với những cái sai trái trong đội ngũ mình.
Đỗ Hòa - Công Ty IME Vietnam
(Theo TBKTSG)